Trao đổi về phong trào thuê đất trồng rau sạch của người dân, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp Hội Rau Quả Việt Nam cho biết: khá nhiều người bạn đã nghỉ hưu như ông cũng đang rất lo lắng, loay hoay với việc tìm cho gia đình được nguồn rau sạch cung cấp bữa ăn hàng ngày. “Chính tôi công tác nhiều năm, chuyên về lĩnh vực kiểm dịch thực vật, hiểu khá rõ về vấn nạn rau quả nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, chất tăng trưởng…, nhưng cũng không dễ tìm mua rau sạch đạt chuẩn. Mình mua đại, chứ rất khó để có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Mọi người lo lắng, chủ động thuê đất trồng rau, đảm bảo bữa ăn an toàn cho cả nhà cũng là chuyện dễ hiểu”, TS Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ.
Tuy nhiên, ngay những nhà vườn đầu tư công nghệ, chuyên cung ứng rau sạch và dịch vụ trồng rau sạch cho thị trường TPHCM cũng gặp những khó khăn. Đầu tư vốn lớn nhưng khi nhu cầu nhiều, thị trường lại xuất hiện tình trạng mập mờ, làm nhái, cạnh tranh không lành mạnh. Để dẫn chứng điều này, một chủ trang trại trồng và cho thuê đất trồng rau sạch tại huyện Bình Chánh đã bức xúc nói: “Từ những lời giới thiệu, cách tiếp thị sản phẩm, giá từng mặt hàng… của bên tôi đều bị một số trang mạng sao chép gần như nguyên vẹn. Khách hàng thắc mắc, liên lạc với tôi vì tưởng rằng tôi mở thêm cơ sở mới”. Hiện thị trường cũng xuất hiện nhiều lời rao, cam kết cung cấp rau non, ngọt đủ dinh dưỡng, đạt 4kg – 4,5kg/m2 mỗi tháng, chuẩn an toàn. Thế nhưng, theo anh Bùi Công Ngân, chủ nông trại Rau Sạch Nhà Ai phân tích, điều này khó khả thi, không loại trừ việc trà trộn rau kém phẩm chất. Chẳng hạn, đối với rau muống baby, chỉ khoảng 15 ngày đã thu hoạch, nhằm đảm bảo cho rau đủ chất dinh dưỡng, chứ không chờ đủ 30 ngày (vì dễ mất chất, không ngon). Nhưng nếu thu hoạch sớm kiểu này thì nhà vườn thiệt thòi, vì chỉ đạt sản lượng ở mức 1,5kg/m2, thay vì đạt 2,5kg/m2 nếu thu hoạch muộn ngày.
Từ kinh nghiệm thực tế hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thành công hàng ngàn tấn trái cây sang các thị trường khó tính (Mỹ, Nhật Bản, Úc…), TS Nguyễn Hữu Đạt cho biết, thực sự không nhất thiết phải yêu cầu nông dân trồng rau quả có chứng nhận VietGAP, mà chỉ cần sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là được. Ngược lại, nhà sản xuất cần trưng ra cho người tiêu dùng biết được sản phẩm đạt các chuẩn nào (kết quả thử nghiệm mẫu đất trồng, nước…). Áp lực thị trường đòi hỏi doanh nghiệp, người nông dân phải làm ăn đàng hoàng. Đối với bài toán rau sạch, TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng: “Rất cần có “bàn tay nối dài” của Nhà nước trong việc giám sát, hỗ trợ nông dân, người tiêu dùng. Có thể huy động thêm những nhà sản xuất, kinh doanh, chuyên gia giàu kinh nghiệm dù đã nghỉ hưu để hỗ trợ công việc này. Mặc dù việc thuê đất trồng rau chỉ mang tính tự phát nhưng cũng cần giúp đỡ người dân về phương pháp trồng, kỹ thuật… để cho ra các sản phẩm sạch đúng nghĩa”.