Khoảng cách giữa nhu cầu và cung ứng rau sạch vẫn ngày càng lớn bởi thị trường thừa cầu thiếu cung và quan trọng hơn là thiếu lòng tin vào chất lượng rau sạch thật sự.
Là người trong cuộc, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Giao dịch của Sàn Giao dịch Rau quả & Thực phẩm An toàn Hà Nội, rút cục phải thừa nhận, thị trường rau an toàn tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang rất “loạn”. “Gần như không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng rau, kể cả ở những hệ thống được coi là bảo đảm như siêu thị”, bà Kim Oanh nhận định.
Khi người tiêu dùng khủng hoảng niềm tin thì cơ sở sản xuất rau an toàn gặp khó. Dù có giới thiệu sản phẩm mới đi kèm cam kết bảo hành chất lượng, nhưng vẫn không thuyết phục được người tiêu dùng. Chị Thu Huyền tại Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) từng phải đóng cửa hai cửa hàng rau sạch phân tích, doanh số bán rau sạch đã không đủ cho các khoản chi phí đắt đỏ để duy trì cửa hàng như tiền thuê nhà, điện nước và lương nhân viên. Các khoản chi cố định này khoảng 20 triệu đồng/tháng, trong đó tiền thuê cửa hàng khoảng 12 triệu đồng/tháng. Như vậy, doanh số bán rau phải đạt tối thiểu 60 triệu đồng/tháng với mức lợi nhuận 35% doanh thu và tỷ lệ rau hủy dưới 5%. Chia trung bình mỗi ngày doanh số bán rau phải đạt hai triệu đồng là điều không hề dễ dàng.
Ở góc độ của người trồng rau sạch, ông Nguyễn Thế Hiệp, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, hợp tác xã có 9 ha rau sạch nhưng chỉ có một phần rất nhỏ trong số đó được thu mua để đưa vào siêu thị. Phần lớn rau của hợp tác xã được đưa về các chợ rau đầu mối và bán như các loại rau thông thường mà không có sự phân biệt nào. “Chúng tôi sản xuất rau sạch với giá thành cao hơn nhưng không có sự giúp đỡ nào hỗ trợ bao tiêu đầu ra nên đành tự mày mò đi tiếp thị tại siêu thị, còn lại phải bán đại trà”, ông Hiệp than thở. Nếu tình hình tiêu thụ rau sạch vẫn như hiện nay, nhiều hộ nông dân sẽ không còn kiên nhẫn và buộc phải trở về với lối canh tác như trước đây, bỏ qua các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm cho rau. Trong bối cảnh ấy, người tiêu dùng vẫn phải bấm bụng mua rau theo cách tặc lưỡi cho xong hoặc giả có muốn cẩn trọng thì cũng gọi là chi phí thêm tí tiền để mua sự yên tâm ở các cửa hàng. Còn thực tâm, tin tưởng vào rau sạch vẫn là khái niệm “xa xỉ”.