Nhu cầu xã hội lớn, nhưng con đường xây dựng nền sản xuất thực phẩm sạch nói chung và rau sạch nói riêng xem ra vô cùng gian nan với nhiều DN. Đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển chia sẻ bức xúc: Nền tảng phát triển cơ bản cho ngành hữu cơ là tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ, cơ quan chuyên trách cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ cho DN, nhưng hiện chúng ta chưa xây dựng được vấn đề này.
Bên cạnh đó, vị này phản ánh, khi mới tham gia mở cửa hàng thực phẩm sạch mà có quá nhiều cơ quan đến kiểm tra, chỉ tiếp hết các đoàn thôi đã “thở không nổi”.
Đại diện chuỗi cửa hàng Sói Biển kiến nghị Nhà nước nên xem xét để có hướng hỗ trợ, khuyến khích cho các DN kinh doanh thực phẩm sạch, mới mở hàng, chưa có lợi nhuận mà đã bị thu thuế; nên xem xét từ 6 tháng sau khi một cửa hàng được thành lập cơ quan chức năng hãy đến thu thuế.
Gian nan ngay từ bước đầu khởi nghiệp khiến không ít DN lắc đầu ngao ngán. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà nhiều DN cho rằng sản xuất thực phẩm sạch muốn bền vững, thì phải xây dựng được một thị trường minh bạch. Làm thực phẩm sạch, không minh bạch thì không thể thành công.
Bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH, cho rằng yếu tố cốt tử đầu tiên để một DN có thể thành công trong lĩnh vực thực phẩm sạch là minh bạch. Minh bạch là cội nguồn của bất kỳ nhà sản xuất nào. Đây cũng là lý do thôi thúc bà làm sữa năm 2008.
Khi đó, thị trường sữa đang cực kỳ kém minh bạch. Theo bà Thái Hương, ba khâu cần minh bạch là: giống, phân bón và bảo quản. Nếu thị trường thiếu minh bạch và DN cũng thiếu minh bạch trong SX-KD, thì việc thất bại trong lĩnh vực thực phẩm sạch là điều có thể đoán trước.
Nói cách khác, minh bạch thị trường mục đích chính vẫn là xây dựng và củng cố niềm tin của NTD. TS. Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, cho rằng đón sóng thực phẩm sạch là xây dựng niềm tin mới. Phải xây dựng và giữ niềm tin. Không có niềm tin thì không thể phát triển được.