Lâu nay, người tiêu dùng cứ nhầm lần giữa “rau sạch” và rau an toàn, họ cứ nghĩ “rau sạch” chắc chắn sẽ an toàn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, “rau sạch” chỉ đảm bảo các tiêu chí sạch nhưng không đảm bảo tiêu chí an toàn.
Ông Bùi Văn Hẩu – Phó chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức đã phân tích, “rau sạch” được hiểu là loại rau canh tác trong điều kiện là hoàn toàn tự nhiên: không bón bất kỳ loại phân hóa học; không phun các loại thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng thuốc trừ sâu; không phun thuốc các chất kích thích sinh trưởng; phân bón hoàn toàn là phân hữu cơ (bón gốc và bón qua lá); không dùng hóa chất bảo quản sản phẩm.
Còn rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thì phải quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ, thời gian cách ly với phân thuốc, thu hoạch… đến khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ; các chất dư lượng thuốc hóa học, số lượng vi sinh vật và ký sinh trùng, dư lượng đạm nitrat (NO3 ), dư lượng các kim loại nặng (chì, thủy ngân, asênic, kẽm, đồng…) không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Từ đó có thể cho thấy, “rau sạch” thoạt nhìn trông rất sạch sẽ nhưng chưa chắc đã an toàn vì không kiểm được nguồn nước tưới, đất trồng có chứa kim loại nặng hay không…
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Thỏ Việt (H.Củ Chi) cho biết, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP khi ra thị trường, dù chợ hay siêu thị, cũng phải có thông tin về sản phẩm; không thể đựng trong bao ni lông rồi nói “không phun thuốc trừ sâu” thì trở thành rau an toàn được.
Theo các chuyên gia, để có rau sạch đúng nghĩa, người tiêu dùng nên mua sản phẩm tại địa chỉ uy tín, cửa hàng rau có địa chỉ rõ ràng, không nên mua theo cảm tính hoặc chỉ dựa vào tấm bảng “rau sạch” do chủ sạp tự phong.