Đó là ý kiến của đa số các chuyên gia tại bất kỳ diễn đàn nào về giải pháp chống thực phẩm bẩn. Theo bà Trần Thanh Hà – Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Great Việt Nam – thương hiệu rau sạch Vườn của mẹ thấy rằng cần có sự hợp tác 3 bên giữa những nhà sản xuất – nhà khoa học và nhà kinh doanh trong các chuỗi cung ứng. Ở đó, các nhà khoa học sẽ đồng hành cùng nông dân trong cả quá trình sản xuất đó để có thể bảo đảm sản phẩm đầu ra thực sự có chất lượng như yêu cầu của đơn vị kinh doanh. Nông dân khi tham gia chuỗi sẽ không lo về đầu ra cho sản phẩm mà chỉ tập trung sản xuất theo yêu cầu về chất lượng, số lượng của những nơi tiêu thụ. Người tiêu dùng cũng được lợi khá nhiều vì có được sản phẩm sạch, không gặp những mối nguy về các loại hóa chất, vi sinh…có trong thực phẩm
Bên cạnh đó,những yếu tố minh bạch thông tin thông qua việc truy xuất nguồn gốc cần được các nhà sản xuất, phân phối đưa lên hàng đầu để thực phẩm bẩn không có cơ hội trộn lẫn với thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Kinh nghiệm của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Thanh Hằng đã cho thấy, vấn đề cần quan tâm hàng đầu hiện nay khi kinh doanh thực phẩm sạch là chất lượng sản phẩm chứ không phải quy mô cửa hàng như thế nào. Bởi khi một cửa hàng thực phẩm được mở ra, đầu tiên, người tiêu dùng sẽ khá tò mò dùng thử sản phẩm của cửa hàng bạn xem chất lượng sẽ thế nào, giá cả ra sao có hợp lý hay không. Sau đó, họ sẽ so sánh sản phẩm của bạn với những nhà cung cấp khác đấy. Nếu chất lượng ổn, dịch vụ khá tốt, giá cả hợp lý thì bạn sẽ có một lượng khách hàng trung thành nhất định trong tương lai.
Ngoài ra, các nhà phân phối cần nhất quán trong việc lựa chọn sản phẩm, không kinh doanh kiểu “mua đứt bán đoạn”, mà chỉ lấy hàng trực tiếp từ các vùng sản xuất đã ký hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, không qua bất kỳ nguồn trung gian nào. Nếu phát hiện có lô hàng nào dính vi phạm về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì lập tức hủy hợp đồng bao tiêu. “Do nông dân được ký hợp đồng bao tiêu giá rất ổn định, luôn cao hơn thị trường nên họ cũng không dại gì vi phạm để rồi phải tìm đường tiêu thụ bấp bênh” – ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam nhấn mạnh.
Theo nhận định của nhiều doanh nhân trong lĩnh vực thẩm phẩm, hơn 90 triệu dân và quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, thị trường tiêu thụ thực phẩm nội địa rất có tiềm năng và có nhiều dư địa phát triển và là cơ hội cho các nhà đầu tư sản xuất, phân phối thực phẩm sạch. Không kể quá trình hội nhập tạo cho Việt Nam có nhiều điều kiện phù hợp để tham gia thị trường thực phẩm hữu cơ với tổng giá trị sản phẩm đến 72 tỷ USD để tiến tới phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Nên “không lo thị trường, chỉ sợ thiếu vốn để đầu tư vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất” – ông Huỳnh Quang Đấu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang nói.