Trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch,rau sạch của người dân tăng cao đột biến, tạo điều kiện cho các cửa hàng kinh doanh TPS mọc lên như “nấm sau mưa”. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vì chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng “treo đầu dê, bán thịt chó”, bán sản phẩm “đội lốt” hàng sạch, không đảm bảo VSATTP. Người tiêu dùng thì hoang mang khi phải ăn hàng “chợ” mà giá lại đắt gấp đôi thậm chí gấp 3-4 lần bình thường.
Mới đây, Bộ NN&PTNT vừa chính thức công bố 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong danh sách nói trên, Hà Nội chỉ có… 7 địa điểm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bao gồm: Cửa hàng Công ty TNHH TPS BigGreen Việt Nam; 3 cửa hàng của Công ty Cổ phần Thủy Thiên Nhu; 2 cửa hàng TPS số 01 của Công ty Cổ phần Thực phẩm T&T; Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Tổng hợp.
Với 7 điểm bán hàng nông sản an toàn nhưng thực chất là 4 nhà cung cấp nói trên, nhiều người cho rằng, chẳng khác nào “muối bỏ bể” so với nhu cầu của hơn 10 triệu dân Thủ đô với sức tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau các loại/ngày… Trong khi, hiện nay sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 58% nhu cầu thịt các loại, 70% cá các loại; 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi…Số thực phẩm còn lại do các tỉnh, thành phố khác cung cấp cho Hà Nội.
Với nhu cầu rất lớn nói trên, các cửa hàng rau sạch, thịt sạch được dịp “nở rộ”, có thể kể đến như: rau bác Tôm, Sói biển, Mbfoods, CleverFood… Thậm chí, ngay trên các trang mạng xã hội, không khó để tìm ra những cá nhân rao bán TPS online nhan nhản để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Chị Thúy Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Dạo gần đây, tôi thường hay mua rau, hoa quả ở một cửa hàng bán TPS gần nhà với giá cao gấp đôi ở chợ. Sau một thời gian mọi người mới “tá hỏa” biết rằng cửa hàng thực chất lấy hàng ở các chợ đầu mối. Vì thế nên nhiều khi nghe quảng cáo là rau sạch nhưng chưa chắc đã sạch, kiểm định rất khó!”.
Cần giải quyết lượng lớn hàng tồn kho
Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Trần Quân – chủ thương hiệu hải sản và TPS Sói Biển cho biết: “Đúng là có hiện tượng nhiều cửa hàng chạy theo lợi nhuận làm ăn chộp giật như trên, nhưng chủ yếu tồn tại với những tiểu thương bán ở chợ hoặc những cửa hàng TPS mới ra đời nhưng chưa có thương hiệu, uy tín trên thị trường”. “Nhiều người cho rằng ngành kinh doanh TPS đang rất được quan tâm, lại lãi nhiều, thấy ở quê có nguồn hàng ngon là đăng lên mạng bán câu khách nhưng khi mở cửa hàng lại vắng tanh. Sức ép về chi phí mặt bằng khiến nhiều cửa hàng bị “sập” chỉ trong vòng từ 1-2 tuần” – anh Quân nói.
Theo chủ chuỗi cửa hàng này, điều cốt lõi trong kinh doanh TPS là phải kiểm soát tốt nguồn sản phẩm đầu vào bằng cách đến tận nơi sản xuất làm việc, cam kết rõ ràng với từng nhà cung cấp, đảm bảo ổn định về số lượng, chất lượng. Mặt khác, đặc thù kinh doanh mặt hàng đồ tươi sống là luôn có hàng hủy, hàng tồn rất nhiều nên người bán cần có tâm huyết, sẵn sàng bỏ những sản phẩm tồn kho để đảm bảo chất lượng tươi ngon nhất cho khách hàng. Anh Quân cho biết thêm, nếu một doanh nghiệp (DN) mở ra quá nhiều cửa hàng mà không có sự chuẩn bị về nhân sự, quy trình kinh doanh… sẽ dễ bị “vỡ” về quản trị, không kiểm soát được chất lượng, cung cách phục vụ…
Đưa ra lời khuyên đối với những người muốn tham gia kinh doanh TPS, anh Quân cho biết cần tìm hiểu kĩ từ 3-6 tháng về thị trường, cung cách phục vụ, nguồn hàng, quy trình vận hành cửa hàng… “Tỉ suất lợi nhuận giá nhập vào và bán ra dao động từ 10 – 20%, DN nào khéo trong khâu tránh hàng tồn sẽ có lời, nếu không sẽ rất dễ bị lỗ vốn” – anh cho hay. Đối với người tiêu dùng, anh Quân cho rằng, khách hàng nên tỉnh táo trước “ma trận” cửa hàng TPS, chủ động tìm mua hàng ở những chuỗi cửa hàng có uy tín, thương hiệu trên thị trường để đảm bảo chất lượng cũng như VSATTP.