Cơn mưa kéo dài trọn một ngày đêm do hoàn lưu bão số 3 vừa qua đã làm một số diện tích rau trồng trên cát thuộc cánh đồng xã Thạch Văn, Thạch Hà bị ngập. Mới bảy giờ sáng, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cán bộ UBND và Hội phụ nữ xã Thạch Văn đã có mặt cùng bà con “cứu” rau sạch. Phần lớn nông dân có mặt trên cánh đồng là xã viên Hợp tác xã (HTX) rau củ quả Hằng Bảy. Nếu không được cán bộ hội phụ nữ tỉnh giới thiệu, sẽ chẳng ai biết người phụ nữ gầy gò, đội nón lá lúp xúp, mặc áo mưa, chân đi dép lê lộ ra mười đầu móng chân mầu vàng đất, chính là Giám đốc Hợp tác xã – chị Phan Thị Bảy.
Bất ngờ, chị Bảy cười: “Ôi trời đất! Cả đời chỉ biết bám đồng ruộng làm ăn, vậy mà qua một đêm, tôi đã trở thành giám đốc HTX với 25 thành viên, phụ trách 3 ha rau sạch trên 20 ha đất cát hoang hóa. Ban đầu run lắm, nhưng chính Chủ tịch Hội LHPN tỉnh xuống tận nơi động viên, khích lệ. Chị ấy nói, cứ mạnh dạn lên, rũ bỏ tư tưởng tiểu nông, vượt qua ao làng ra sông lớn, tìm cách liên kết nhau, làm ăn lớn. Bế tắc khâu nào, mạnh dạn đề xuất, các cấp hội sẽ tìm cách giải quyết, cùng tháo gỡ, tìm đầu ra. Ngày ra mắt HTX, Tỉnh hội về tặng hai máy cày, cấp vốn. Trước đó, tôi được tham gia các khóa tập huấn về quản trị doanh nghiệp, quản lý điều hành, sử dụng nguồn vốn tín dụng quay vòng, do Tỉnh hội tổ chức”.
Hợp tác xã Hằng Bảy, ban đầu chỉ là tổ hợp tác sản xuất của Hội phụ nữ xã với 12 thành viên, chủ yếu là tự sản, tự tiêu. Cho đến khi UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh triển khai thực nghiệm dự án “Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh”, chỉ sau một thời gian ngắn, dải cát hoang đã thành cánh đồng xanh mướt với gần ba chục loại rau củ được trồng, theo mô hình VietGAP. Thu nhập bình quân từ 150 đến 200 triệu đồng, cá biệt 300 triệu đồng/ha, cho ba vụ là số tiền mơ ước của người dân nơi này. Hưởng ứng phong trào phát triển rau sạch trên cát của UBND tỉnh, Hội phụ nữ đã mạnh dạn đi đầu, xuống địa bàn tìm hiểu, lập kế hoạch, đồng thời tuyên truyền, vận động Tổ rau sạch của chị Bảy tiến lên HTX.
Chị Bảy kể: Hội đề nghị, tôi còn run, nói gì hội viên. Tổ hợp tác lập ra để giúp nhau về vốn, ngày công sản xuất. Thành lập HTX là có con dấu, có tư cách pháp nhân, người đứng đầu phải lăn lộn tìm kiếm thị trường. Ruộng cát, đến cây cỏ còn khó sống, mùa hè đố ai bước được chân trần trên đó, huống chi cây rau mỏng manh. UBND tỉnh có chính sách đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân dám chấp nhận mạo hiểm, đi đầu: Hỗ trợ toàn bộ kinh phí giống, phân bón, đào tạo, chuyển giao công nghệ, san lấp mặt bằng, hồ nước, kênh tưới, tiêu, hệ thống ống tưới… Ngay vụ đầu tiên đã cho thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/ha, làm nức lòng bà con, ngay lập tức HTX nhận được rất nhiều đơn xin gia nhập.
Câu chuyện của chị Bảy là một thí dụ điển hình của 43 nữ nông dân, chỉ sau một đêm trở thành nữ giám đốc ở Hà Tĩnh. Đó là xu thế tất yếu của việc liên kết trong sản xuất kinh doanh, phù hợp Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, tiêu chí thứ 13 của xây dựng nông thôn mới.
Chỉ trong hai năm, cùng với 43 HTX, quy tụ hơn 500 thành viên là sự hình thành 67 tổ hợp tác với gần 1.500 hội viên, tập trung các lĩnh vực môi trường, chăn nuôi, thương mại dịch vụ, chế biến lương thực, thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp… góp phần giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong sản xuất, hỗ trợ vốn, xóa đói, giảm nghèo.