Ông Bùi Dũng- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chuyên Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (Hòa Phong) cho biết: vùng trồng rau sạch Túy Loan có hơn 40 hộ đang tham gia trồng rau với diện tích khoảng 8 ha, trồng hơn khoảng 30 sản phẩm rau quả sạch các loại gồm mồng tơi, rau dền, xà lách, rau cải, hành lá, bí đao, khổ qua, bầu, mướp, ớt…
Hiện nay mỗi ngày, người dân ở đây xuất bán khoảng 500kg rau/ngày. Trong đó, số rau được cung cấp qua HTX là khoảng 30%, còn lại là các hộ dân bán lẻ cho các chợ khác hoặc các thương lái. Bình quân hàng ngày ở đây, mỗi hộ trồng rau sạch thu nhập khoảng 120.000-150.000 đồng/ngày, mỗi tháng thu nhập khoảng 3-5 triệu đồng. Ban đầu, HTX được thành lập có diện tích khoảng 2 ha với 20 hộ tham gia vào sản xuất. Đến nay, HTX đã được mở rộng diện tích lên khoảng 8 ha và tiến hành đầu tư cho các mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP với các loại rau quả sạch như dưa leo, bí đao, chanh, khổ qua, cải xanh, rau muống…
“Hiệu quả về kinh tế thu được từ trồng rau sạch là thấy khá rõ, đầu ra của HTX đã tương đối ổn định trên thị trường. HTX vừa mới ký hợp đồng cung ứng rau sạch mỗi ngày từ 500- 600kg các loại cho 2 công ty trên địa bàn và 1 trường học trên địa bàn Đà Nẵng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang rất lo việc sản xuất không thể đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một phần lại do diện tích đất canh tác quá ít, một phần là nguồn nhân lực không có bởi vùng rau sạch này chủ yếu là những người lớn tuổi trồng được, không có một đội ngũ kế cận để phát triển chúng theo một quy mô mở rộng. Chúng tôi cũng đang đề ra phương án đề nghị Sở NNPTNT mở rộng thêm khoảng 3 ha diện tích đất trồng rau sạch” – ông Dũng nói.
Ông Trần Văn Mười- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương cho biết, vùng rau sạch của xã Hòa Khương được hình thành từ khoảng năm 2015 của dự án QSEAF hỗ trợ do Sở NNPTNT chủ trì thực hiện, có diện tích khoảng 6,3ha với được10 hộ tham gia trồng rau, mỗi năm mỗi hộ thu nhập được khoảng trên 10 triệu đồng/sào từ việc trồng rau sạch. “Nhưng việc khó nhất hiện nay là đầu ra sản phẩm bấp bênh khá nhỏ lẻ tại các chợ trên địa bàn. Hơn nữa, nếu vùng rau sạch này tiếp cận được các siêu thị, nhà hàng, thì bắt buộc phải cung ứng được trong cả năm, trong khi đó việc canh tác của người dân cũng gặp khá nhiều khó khăn do thời tiết ảnh hưởng không thể sản xuất cho cả năm, và không thể đáp ứng đủ được nhu cầu cần thiết của tất cả người tiêu dùng….” – ông Mười chia sẻ.