Thực ra xảy ra chuyện trớ trêu trên đây không phải là không có nguồn cơn của nó, phải bắt đầu từ nhận định của ông Trương Văn Thoa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, một xã vốn có truyền thống trồng rau sạch mới thấy nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này: “Nhãn rau an toàn” ở Bắc Hồng có từ năm 1999. Thế nhưng do không có “đầu ra” nên người dân bỏ dần không trồng rau nữa mà thay vào đó chủ yếu là trồng lúa. Mà đầu ra cụ thể ở đây là ngoài thị trường, rau bẩn – rau sạch được bán nhập nhèm, chẳng có gì để phân biệt rõ ràng ngoài bao bì và nhãn mác. Tuy nhiên, những thứ ấy làm giả lại quá dễ nên dẫn đến một nghịch lý, người bán rau sạch thì “làm thật ăn giả” do đầu tư vào quy mô, kỹ thuật trồng rau nhiều… nên lãi không nhiều khi kinh doanh trong khi người bán rau bẩn thì lại “ăn thật làm giả” vì chỉ cần dán mác “an toàn” lên rau bẩn rồi bán với giá như rau sạch và thu lãi. Như vậy, công sức, nhọc nhằn của những người trồng rau sạch khác nào bị “ốc mò cò xơi”. Cho nên những người trồng rau sạch chẳng còn tâm lý nào để trồng rau sạch nữa”. Và khi những người trồng rau sạch chẳng còn tâm lý để làm ra sản phẩm của mình thì ngoài thị trường chủ yếu vẫn là nhập nhèm rau sạch – rau bẩn.
Trong suốt thời gian qua đã xảy ra đầy rẫy những chuyện như vậy, thậm chí ngay tại các vùng sản xuất rau sạch như quê hương của ông Thoa là một ví dụ. Trong một lần kiểm tra đột xuất gần đây nhất, Đoàn Thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND huyện Đông Anh, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phát hiện HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, xã Bắc Hồng đã lợi dụng giấy chứng nhận sản xuất rau sạch được cấp từ cơ quan chức năng để “gắn mác” cho những sản phẩm của mình rồi đổ buôn cho các siêu thị, cửa hàng bán rau sạch, bếp ăn… trên địa bàn Hà Nội. Thế nhưng thực tế những sản phẩm ấy, HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng đã thu gom từ nhiều nguồn khác nhau với nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng để phân phối. Thậm chí, có những sản phẩm mà ngay trên xã Bắc Hồng không thể trồng trọt, sản xuất được như: quả và ngọn su su, bắp cải tím, khoai lang Nhật, dứa, giềng… HTX Bắc Hồng cũng thu mua để cung cấp mà không cần “ăn vụng phải chùi mép”.
Hay như Công ty CP Đầu tư phát triển siêu thị Ánh Dương, ở số 3, ngõ 62 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội cũng đã bị Đội 4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội phát hiện chuyên cung cấp rau không rõ nguồn gốc xuất xứ cho nhiều siêu thị trên địa bàn thủ đô. “Quy trình sản xuất” rau của công ty này là thu gom các loại rau củ trôi nổi ngoài thị trường rồi mang về đóng gói, dán nhãn mác “rau an toàn” do công ty sản xuất sau khi đã “chế biến” nhặt bỏ lá úa vàng, già cỗi… Theo đại diện của Phòng Cảnh sát Môi trường, quy trình sản xuất ấy không những không đúng với quy trình sản xuất công ty đã đăng ký mà còn sai so với quy định. Chưa kể đến khu vực sơ chế rau xanh thì bẩn không bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
uy nhiên, “nổi cộm” nhất phải kể đến “vụ” nấm kim chi được bày bán tại các siêu thị lớn như Fivimart, Big C cách đây không lâu. Với bao bì, nhãn mác ghi địa chỉ rõ ràng như: cơ sở sản xuất nấm Mai Hương, 155 Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội, thế nhưng sau khi điều tra, báo chí đã phát hiện, loại nấm được coi là “khoái khẩu” của nhiều người này thực ra không phải do cơ sở nói trên sản xuất mà được mua của một cơ sở ở Lạng Sơn. Cơ sở Lạng Sơn lại nhập nấm từ thị trường trôi nổi ở chợ biên giới mang bán cho cơ sở Mai Hương. Nhưng đáng trách nhất và được coi là “lừa đảo” nhất chính là cơ sở Mai Hương đã “hợp pháp hóa” sản phẩm trôi nổi đó bằng cách dán tem nhãn cho chúng rồi bán cho người tiêu dùng.