Sống trong thời đại mà thực phẩm bẩn đang tràn lan, người nội trợ lại hết sức dè chừng khi đi chợ nên người bán cũng phải rất cố để nghĩ ra nhiều cách để níu kéo khách hàng của mình. Trong bối cảnh đó, gắn mác “rau sạch” để trở thành “lá bùa hộ mạng” của không ít người bán.
Trước cơn “khát” rau sạch như hiện nay của nhiều bà nội trợ, để vực dậy được rau chợ, một số tiểu thương đã nghĩ ra một cách là gắn mác sạch cho rau của mình. Từ một sạp, hai sạp rồi lại trở thành phong trào. Đi đâu cũng nhìn thấy toàn rau sạch. Thậm chí là trên những vỉa hè, nhiều hộ gia đình mang rau ra bán và dán cái biển to là “Rau sạch”.
Chị Tuyết nay là một tiểu thương bán rau ở chợ Bà Quẹo cho biết: Mình bán rau ở đây đã rất nhiều năm, toàn là nhập rau sạch ở tỉnh Bến Tre đưa lên bán. Vì là lấy rau từ chỗ anh em ruột nên mình rất dám chắc điều đó. Lúc đầu thấy người ta ghi rau sạch mình khá bực. Cây ngay không sợ chết đứng nhưng rồi sau đó mình buộc phải ghi theo vì ai cũng làm thế.
Đó là tình thế rất khó xử, bởi nếu chị mà không ghi rau sạch, hoặc mời gọi bằng các câu như rau em bán hoàn toàn sạch đấy, mời anh chị mua giúp thì khách chẳng màng mà ghé vào. Và với “hội chứng đám đông”, hễ thấy một vài người vây kín gian hàng “rau sạch” thì người ta sẽ đến ồn ào như trẩy hội mà không cần biết đó có thực sự là rau sạch hay không.
Không riêng gì chợ truyền thống này, những chợ “chồm hổm” mà kể cả trong siêu thị đều dán mác là “rau sạch”, có nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận hẳn hoi nữa. Tuy nhiên, theo một nhân viên phụ trách quầy rau quả ở siêu thị B cho biết thì không phải rau củ được bán nào cũng đóng gói (đóng gói có chứng nhận và nguồn gốc) nên những loại rau củ đó buộc phải ghi chữ “Rau sạch” lên. Thực tế đã cho thấy, đã có siêu thị nhập nho từ Trung Quốc nhưng lại phải dán nhãn ở tỉnh Ninh Thuận nữa.