Mặc dù có rất nhiều thuận lợi khi liên kết khâu sản xuất và tiêu thụ, nhưng chủ nhân của những mặt hàng rau sạch vẫn còn khá nhiều khó khăn khi quyết định đem những đứa con của mình lên Thành phố Sài Gòn. Từ 4g sáng, chị Nguyễn Thị Loan đã cùng ba người hàng xóm của mình cùng tham gia chợ phiên lên xe đi Sài Gòn.
Thùng xe chứa 30kg rau sạch các loại được chia nhỏ ra trong các bọc nilông có in dòng địa chỉ, số điện thoại và logo chứng nhận rau sạch của Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS – đây là hệ thống đảm bảo có sự tham gia giữa các bên trong một khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lẫn vai trò của cơ quan giám sát). Người nông dân nếu muốn tham gia hệ thống này buộc phải sản xuất theo nhóm với nhau, các trưởng nhóm giám sát chéo với nhau, mỗi bộ phận điều phối sẽ thanh tra và được cấp chứng nhận…
Chị Loan nói: Người ở thành phố rất hay hỏi về nguồn gốc xuất xứ, cách trồng như thế nào, có người còn hỏi đây là rau sạch nhưng đất trồng chúng có thật sự sạch không… Do đó, mình phải diễn giải cặn kẽ các quy trình sản xuất từ khi làm đất cho đến khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển họ mới có thể an tâm.
Theo chị Loan, để chuyển đổi từ vườn rau thông thường sang rau hữu cơ, chị phải mất một năm để theo dõi chúng, thử đất, thử nước và các yếu tố khác. Để đạt được chứng nhận PGS, trong quá trình trồng rau chị chỉ dùng phân hữu cơ như phân bò, phân gà để bón cho rau đó và dùng thuốc bảo vệ thực vật từ dung dịch ớt, tỏi, gừng… Mô hình này bắt buộc phải có dàn lưới bao quanh, hàng rào đệm bằng cây xanh để có thể cản côn trùng.
Trồng rau như vậy khá cực hơn vì phân phải ủ ba tháng mới có thể dùng được – chị nói. Mặt khác, trồng rau theo phương pháp này giúp chị tiết kiệm được khá nhiều chi phí, lợi nhuận cao hơn cách trồng rau thông thường khoảng 40%, hơn nữa lại thân thiện với môi trường.
Còn anh Võ Văn Tiếng (Đồng Tháp) thì cho biết khởi điểm của mô hình trồng lúa sạch của mình cũng rất ba chìm bảy nổi với việc nói không với các loại phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Quy trình trồng lúa của anh rất khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, anh tự tay xay xát lúa và đóng gói gạo của mình với thương hiệu Tâm Việt. Chị Phạm Thị Tuyết Mai (ở Củ Chi) cùng hai người bạn cũng khá trầy trật hơn một năm và với vườn rau hữu cơ 1.000m2 của mình. Ngoài các biện pháp kỹ thuật đạt tiêu chuẩn, chị Mai còn phải đối mặt với câu chuyện mẫu mã, nhãn mác phải thực sự bắt mắt.
Trên sản phẩm của chị còn in rõ tờ giới thiệu trang trại cũng như nguồn gốc của các mặt hàng cho khách để có thể nắm thông tin.