Nhu cầu tiêu thụ rau sạch của Hà Nội khoảng 2.600 tấn/ngày, trong khi lượng rau được gọi là an toàn mới sản xuất được 30%, tương đương khoảng 800 tấn/ngày. Chính vì thế mới xảy ra tình trang gian lận thương mại trong lĩnh vực này.
Từng là chủ cửa hàng thực phẩm sạch Ngon và Lành tại Mỹ Đình (Hà Nội), chị Thu Hoài kể: Cửa hàng đặt mua rau an toàn HTX sản xuất tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp an toàn xã Vân Nội – Đông Anh. Thực phẩm chị từng cung ứng có dán 3 loại tem của cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh và chi cục trên một sản phẩm. Thế nhưng, chỉ được thời gian đầu đông khách, sau ít dần phải đóng cửa. Nguyên nhân chính ngay gần cửa hàng chị có chợ, một số cửa hàng rau xanh khác cũng có bán rau đóng trong gói và được quảng cáo là sạch, an toàn. Người dân đi chợ muốn nhanh và tiện, nên cửa hàng chị vắng dần khách.
Hà Nội từ lâu đã quan tâm tới việc xây dựng vùng rau chuyên canh như Đông Anh, Dương Nội… Hà Nội có nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, nhưng đến nay nguồn rau sạch vẫn rất ít. Nói chung, thị trường rau sạch như một ma trận. Người tiêu dùng thật sự không thể nhận biết đâu là thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch ngay cả ở những nơi tưởng như đáng tin cậy nhất.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ với Tiêu dùng nói, khi thực phẩm bẩn, nguồn gốc không rõ ràng tràn lan và khó kiểm soát, đe dọa trực tiếp sức khỏe của người sử dụng. Chính vì thế mới có chuyện các bà nội trợ đi tìm… rau sạch, tìm thực phẩm sạch nhưng thực sự thì cũng khó như… lên giời. Cửa hàng vẫn treo biển rau sạch, nhưng làm sao mà tin được khi mà sự gian lận thương mại vẫn cứ diễn ra, trong khi cơ quan chức năng vẫn coi rằng mớ rau là chuyện nhỏ.