Được Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá là câu chuyện phát triển thành công, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm các nước co mức thu nhập trung bình thấp trên thế giới, với nhu cầu gia tăng về chất lượng hàng tiêu dùng, trong đó có thực phẩm.
Cơ hội từ nhu cầu gia tăng
Theo báo cáo 2016 của hãng nghiên cứu thị trường Cimigo (Hong Kong), số gia đình Việt có mức thu nhập cao đang gia tăng, với mức chi tiêu trên 500 USD mỗi tháng (tương đương trên 10 triệu đồng). Số hộ dân có mức thu nhập trên 500 USD/tháng tăng lên trên 4 triệu, so với con số khiêm tốn 1,8 triệu cách đây 1 thập kỷ.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, số lượng siêu thị tại Việt Nam cũng tăng “chóng mặt”. Năm 2005, cả nước chỉ có 47 siêu thị, nhưng hiện nay con số này đã tăng gấp vài chục lần, lên tới 975 siêu thị quy mô lớn.
Khi đời sống khấm khá lên, người dân Việt Nam bắt đầu chú trọng tới thực phẩm sạch, an toàn. Điều này tạo cơ hội đáng kể cho ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Tiến sĩ Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp tại Hà Nội đánh giá, sự dịch chuyển trong nhu cầu mua thực phẩm an toàn của người dân tạo cơ hội lớn cho việc tăng cường chuỗi giá trị.
“Ngày xưa chuỗi giá trị còn rất ngắn, nhưng giờ đã kéo dài ra nhiều nhờ nhu cầu gia tăng mạnh của người tiêu dúng. Ở chợ thông thường, có thể bạn mua được thực phẩm giá rẻ, nhưng người dân ngày nay sẵn sàng chi cao hơn 1 chút để mua được thực phẩm an toàn trong các siêu thị hay cửa hàng uy tín với nhãn mác và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng,” TS. Đào Thế Anh cho hay.