Hiện nay rất khó phân biệt thực phẩm “sạch”
Trong thời gian gần đây các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều loại thực phẩm “bẩn” xuất hiện trên thị trường như cá nhiễm phân urê, rau muống tưới nhớt, rau nhiễm thuốc trừ sâu, thịt lợn có chất tạo nạc… đã khiến chị Lê Mỹ Hạnh (ngụ ở phường 25, quận Bình Thạnh) hoang mang, lo lắng khi mua thực phẩm ngoài chợ không rõ nguồn gốc. “Để có những bữa cơm an toàn cho tất cả thành viên trong gia đình, tôi thường chọn mua những thực phẩm tại các cửa hàng, siêu thị mini có treo bảng thực phẩm “sạch” dù giá của các mặt hàng này có đắt hơn bên ngoài”, chị Hạnh cho biết. Theo thống kê, giá các mặt hàng đang được bán tại các cửa hàng thực phẩm “sạch” hiện nay tại TP Hồ Chí Minh thường cao hơn 10 – 20% so với thông thường.
Không chỉ chị Hạnh, nhiều bà nội trợ hiện nay cũng có tâm lý đề phòng trước sự “tấn công” của thực phẩm không an toàn vào mâm cơm gia đình. Chính điều này đã khiến nhiều cửa hàng, siêu thị mini và thậm chí là các trang mạng kinh doanh nông sản “sạch” ngày càng “mọc lên như nấm” tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tại các cửa hàng này, các sản phẩm nông sản thiết yếu như: rau muống, rau cải, bầu, bí, ổi, thanh long, đậu phụ, thịt lợn… được các chủ cửa hàng đó gắn mác lên cho nó là “sạch”. Mặc dù chất lượng có thật sự “sạch” thật hay không thì những thông tin đó “vẫn là ẩn số” đối với người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã rau củ quả VietGap, cho biết, hiện nay nhiều nông dân chăn nuôi, trồng trọt và bán sản phẩm an toàn nhưng người tiêu dùng không dễ phân biệt được. Không ít người tiêu dùng mua thực phẩm bằng niềm tin tức là khi các chủ cửa hàng gắn mác “sạch” thì họ biết đó là hàng “sạch” và tin tưởng để mua chứ cũng không thể kiểm tra, kiểm chứng được chất lượng hàng hóa thật sự.
Bà Hồ Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty cung ứng rau sạch Minh Nguyệt, cho rằng Nhà nước hiện nay đang rất thiếu cơ chế bảo vệ những người làm ăn thực sự chân chính, có đầu tư theo quy mô và tiêu chuẩn phù hợp. “Hiện nay, bất cứ ai hay các cơ sở kinh doanh nào cũng có thể tuyên bố họ đang bán rau sạch, rau an toàn mặc dù họ không có vùng trồng, không có bất kỳ giấy chứng nhận nào cho thấy rằng họ trồng rau đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn. Việc mập mờ những thông tin với khách hàng như vậy vừa là lừa dối người tiêu dùng và ảnh hưởng tới những người làm ăn chân chính”, bà Nguyệt nói.
Tốt nhất người dân nên tìm mua hàng hóa của những đơn vị đã có đăng kiểm và có đầy đủ giấy chứng nhận thực phẩm đã đạt chất lượng, có thông tin nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.