Gã khổng lồ trong lĩnh vực hàng điện tử nổi tiếng với các sản phẩm tivi và điều hòa, đang chuyển sang bán xà lách và củ cải đỏ cho người dân Singapore.
Bên ngoài tòa nhà trồng rau sạch của Panasonic ở Singapore ngày 31/07.
Từ tuần trước, một bộ phận thuộc tập đoàn Panasonic (Nhật) bắt đầu mở cửa hàng bán rau sạch đầu tiên cho người dân Singapore.
Mục đích chính khiến Panasonic khai thác công nghệ canh tác trong nhà tại đảo quốc sư tử nhằm giảm sự phụ thuộc của người dân nước này vào hàng hóa nhập khẩu.
“Chúng tôi nhận thấy nông nghiệp là một danh mục đầu tư rất tiềm năng do sự thiếu hụt đất canh tác trên toàn cầu, biến đổi khí hậu và nhu cầu tăng lên không ngừng về các loại thực phẩm chất lượng lẫn nguồn cung lương thực ổn định”, ông Hideki Baba, giám đốc Công ty giải pháp nhà máy Panasonic châu Á – Thái Bình Dương (Panasonic SAP – Panasonic Factory Solution Asia Pacific), nói với hãng Reuters.
Cơ sở đầu tiên của Panasonic SAP hiện tại có năng suất vào khoảng 3,6 tấn rau hàng năm, sản xuất 10 loại rau như củ cải đỏ và xà lách.
Một vị khách tuân thủ quá trình khử nhiễm trước khi tham gia chuyến thăm trang trại rau sạch trong nhà đầu tiên của Panasonic ở Singapore trong ngày 31/07.
Áp dụng công nghệ vào canh tác trong nhà là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều công ty công nghệ Nhật Bản. Tập đoàn Fujitsu Ltd hiện đang triển khai trồng rau diếp tại các điền trang ở tỉnh Fukushima, trong khi đó, Shark Corp đang thử nghiệm trồng dâu tây trong nhà ở Dubai.
Trang trại trồng rau của Panosonic tại Singapore có diện tích 248m2, tọa lạc trong một tòa nhà ở vùng ngoại ô thành phố. Ở đây có đủ ánh sáng tự nhiên và ánh sáng từ đèn LED để giúp rau sinh trưởng tốt.
Công ty Panasonic SAP hiện tại chưa cho phép khách thăm nông trại của hãng vì lý do giữ cân bằng nhiệt độ, độ ẩm và nồng độ carbon dioxide tại đây. Nông trại dự định trồng hơn 30 loại rau tính cho tới tháng 3/2017, chiếm khoảng 5% sản lượng rau sản xuất tại Singapore. Những loại rau này sẽ chỉ có giá bằng một nửa loại rau nhập từ Nhật Bản.
Panasonic cho biết Singapore lý tưởng để phát triển nông trại trong nhà, do quốc gia này ít có lợi thế từ việc tự cung ứng thức phẩm và đất đai tự nhiên.
Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Singapore xếp thứ 2 trên thế giới về mật độ dân số, hơn 90% lương thực thực phẩm tại quốc gia này là đồ nhập khẩu.
Theo cơ quan Nông lương Thực phẩm và Thú ý Singapore (Agri-Food and Veterinary Authority), sản lượng rau củ của Singapore năm 2013 đạt 22.000 tấn, so với 17.000 tấn hồi năm 2004. Năm ngoái, Singapore nhập khẩu 514,574 tấn rau.
Theo Economist Intelligence Unit (EIU), một cơ quan nghiên cứu thuộc tạp chí uy tín The Economist, Singapore xếp thứ 5 trong số 109 nước về Chỉ số an toàn lương thực toàn cầu (Global Food Security Index). Song, chính phủ nước này muốn đa dạng hóa nguồn thực phẩm và “tự đứng” được trong ngành sản xuất trứng, cá và các loại rau có lá. Công ty chuyên về canh tác nhà kính Sky Green ra đời trong nỗ lực đó.
Nông trại của Sky Green hiện tại có năng suất 1 tấn/ngày. Sản phẩm rau Sky Green được phân phối tại siêu thị FairPrice. Ngoài ra, một số trang trại khác tại Singapore đang áp dụng phương pháp khí canh và thủy canh để trồng rau.
“Không giống như ngũ cốc, rau không thể bảo quản trong thời gian dài. Tuy vậy, những kỹ thuật canh tác mới có thể biến điều này thành hiện thực, để tăng năng suất và tăng mức an toàn thực phẩm tại Singapore”, ông Lee Sing Kong, chuyên gia về công nghệ khí canh kiêm giáo sư ngành Sinh vật học tại trường Đại học Công nghệ Nanyang Singapore cho biết.
Tuy vậy, một số loại thực phẩm có xuất xứ nội địa vẫn là hàng cao cấp ở Singapore. Vài loại rau ở siêu thị FairPrice có giá bán lẻ cao gấp đôi so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc.