Trước thông tin một số siêu thị lớn ở Hà Nội “bị lừa” bán rau không rõ nguồn gốc, ngày 20-1, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội do Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở, siêu thị trên địa bàn, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau sạch, củ, quả.
Bước đầu Đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá, vẫn còn tình trạng một số mặt hàng rau tươi chưa ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ đề chung chung là rau miền Bắc hoặc rau Việt Nam. Thậm chí, tại một quầy rau củ quả còn bày bán bí đỏ có gắn nhãn ghi hạn sử dụng trong năm 2014.
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ của Thành ủy Hà Nội, liên quan đến thông tin Công ty TNHH Sản xuất và chế biến RAT Ba Chữ lấy rau không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cung cấp cho một loạt hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Thủ đô, đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, Chi Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường giám sát, điều tra để nắm rõ có hay không hành vi gian lận thương mại này và sẽ kiên quyết xử lý nếu phát hiện sai phạm.
Liên quan tới hiện tượng thị trường thành phố Hà Nội gần đây xuất hiện gà hết đát mạo danh gà mía, gà đồi Yên Thế, nhiều điểm bán gà luộc chín nguyên con trọng lượng khoảng 1,5 đến 1,7 kg với giá 130 nghìn đồng một con, ghi rõ gà mía Sơn Tây hoặc gà đồi Yên Thế, ngành chức năng của thành phố đã làm rõ nguồn gốc loại thực phẩm này. Ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y – Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hà Nội cho biết, loại gà giá rẻ này là gà thải loại từ các cơ sở nuôi gà lấy trứng.
Hiện ngành y tế Hà Nội đã thành lập 5 đội cơ động thực phẩm, 30 đội phòng chống ngộ độc thực phẩm cơ động thuộc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã phục vụ Tết Nguyên đán và Lễ hội đầu xuân 2015, là thông tin Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội vừa cho biết. Thành phố đã thành lập trên 650 đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố tới các xã, phường, thị trấn, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra 2 địa bàn huyện Mỹ Đức và quận Tây Hồ là nơi diễn ra các lễ hội lớn đầu năm.
Sở Y tế, Chi cục quản lý thị trường đã kiểm tra 27 cơ sở dịch vụ ăn uống và sản xuất thực phẩm, phát hiện 5 cơ sở; xử lý 141 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và an toàn thực phẩm, buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 200 triệu đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện 1 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm, thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, buộc tiêu hủy hàng chục kg nấm gà nguyên con, tôm đông lạnh và nấm kim châm. Thời gian này ngành chức năng cũng tăng cường kiểm soát các cơ sở giết mổ, phát hiện, xử lý 22 trường hợp vi phạm…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc mới đây đã yêu cầu tăng cường và đổi mới công tác thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết. Công tác chỉ đạo cần đi vào trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu tại các xã, phường, thị trấn, những nơi sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hóa. Các thành viên trong Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hà Nội phải đề xuất các phương án giải quyết, xử lý các sai phạm, các vấn đề gặp phải trong quá trình kiểm tra.