Rau an toàn được quảng cáo là rau “sạch”, chất lượng đảm bảo nhưng cho đến thời điểm này đầu ra của loại rau này vẫn luôn bấp bênh. Ngay cả ở chợ dân sinh tìm mỏi mắt cũng không thấy bởi rau giá cao mà kinh doanh lại không có lãi nên hầu hết các tiểu thương đều không bày bán.
Tại các chợ dân sinh, rau an toàn gần như vắng bóng. Các loại rau ở chợ, hầu hết đều được các tiểu thương quảng cáo là rau sạch, rau quê. Tuy nhiên, một tiểu thương bán hàng tại chợ Ngọc Lâm, Long Biên tiết lộ trên VOV “Cả chợ này không có ai bán rau an toàn cũng chẳng có rau quê, rau vườn. Lấy đâu ra lắm rau quê, rau vườn mà ngày nào cũng có bán?”. Các loại rau sạch vì giá cao, mẫu mã cũng không đẹp khiến các tiểu thương ở đây đều không nhập về bán. Tại các chợ đầu mối cũng như bán lẻ khác, rau an toàn cũng không bán được. Đa số người bán buôn rau cho rằng, kinh doanh rau an toàn không có lãi, độ rủi ro lớn vì giá thành cao, đầu ra không ổn định, trong khi không nhận được ưu đãi nào so với bán rau phun thuốc.
Bên cạnh đó, ngay cả người mua ở chợ đều không phân biệt được rau nào là an toàn và lo ngại “vàng thau lẫn lộn” khiến loại rau này lại càng không có chỗ đứng. Ngay cả ở trong siêu thị, dù sản phẩm có bao bì ghi rõ là đạt tiêu chuẩn VietGAP với nhiều thông tin nhưng thông tin chính về chất lượng, dư lượng, quy trình trồng và đóng gói thì lại khá sơ sài.
Trong khi số lượng người mắc ung thư tăng cao khiến nhu cầu ăn rau sạch ngày càng tăng nhưng chính thói quen và thị hiếu mẫu mã đẹp của người tiêu dùng là một nhân tố khiến sản phẩm này ít đất sống. Và tiếp theo vẫn là câu chuyện muôn thủa của nhà quản lý khi nhưng cơ sở kinh doanh rau an toàn không có được hành lang bảo vệ sản phẩm, các doanh nghiệp gian lận sẵn. Khi một cộng đồng rau sạch chưa thực sự tồn tại từ người dân và doanh nghiệp thì giấc mở thụ hưởng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn vẫn còn xa tầm với.