Để tháo gỡ khó khăn đối với việc phát triển diện tích trồng rau sạch theo các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thành phố Hà Nội đang xây dựng mô hình Sàn giao dịch Rau quả và Thực phẩm An toàn. Hiện sàn đã thu hút khoảng gần 100 đơn vị sản xuất và cung ứng rau quả thực phẩm an toàn tại 15 tỉnh/thành phố tham gia giao dịch. Hàng hóa được bán ra tại 150 siêu thị, cửa hàng, đầu mối bán buôn, bán lẻ và 78 điểm phân phối ở khu dân cư/cơ quan. Sản lượng rau an toàn giao dịch trực tiếp qua sàn khoảng 3,5- 4 tấn/ngày.
Theo ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Sàn Giao dịch, sàn có hai chức năng chính là bán rau quả và thực phẩm an toàn trực tiếp và kết nối miễn phí các doanh nghiệp phân phối với các hợp tác xã, nơi sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp phân phối thông qua sàn kết nối với các hợp tác xã sản xuất cũng tiêu thụ một lượng lớn rau sạch. Tất cả các hợp tác xã sản xuất rau sạch giao dịch ở sàn đều do Chi cục Bảo vệ thực vật của Hà Nội và các tỉnh có công văn giới thiệu và bảo lãnh về việc truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, theo ông Lưu, để mở rộng hệ thống phân phối rau an toàn phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Hà Nội, rất cần thiết thành lập các điểm bán rau an toàn tại các chợ dân sinh. Người bán rau lấy rau sạch rõ nguồn gốc với giá gốc từ các hợp tác xã đang giao dịch trên sàn và bán tại các quầy, hưởng toàn bộ lợi nhuận. “Sàn giao dịch chỉ làm nhiệm vụ kết nối và truy xuất nguồn gốc miễn phí”, ông Lưu nói.
Hiện nay, Sàn giao dịch đã soạn thảo một đề án trình lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và UBND thành phố về việc hỗ trợ mở các điểm bán rau an toàn tại các chợ dân sinh nhưng chưa được đồng ý. “Dường như Hà Nội chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hệ thống phân phối mà mới chỉ quan tâm đến kỹ thuật sản xuất”, ông Lưu đặt vấn đề. Kiến nghị của ông Lưu thực chất không phải mới, nhất là khi những nỗ lực mở rộng mạng lưới từng được nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở phân phối lưu tâm. Nhưng sẽ là không khả thi nếu phát triển mạng lưới không đi đôi với những giải pháp căn cơ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Trong khi chờ đợi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội xem xét kiến nghị của Sàn giao dịch nói trên thì người tiêu dùng chẳng có sự lựa chọn nào khác là tiếp tục sống chung với nỗi lo lắng về rau không đủ an toàn. Muốn lấy lại niềm tin của người tiêu dùng có khó không? Câu trả lời là không, nếu như các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đăng ký bán rau sạch nhưng lại nhập rau không rõ xuất xứ nguồn gốc. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần hỗ trợ người nông dân xây dựng nhận diện thương hiệu rau sạch rõ ràng và kiểm soát chất lượng sau khi chứng nhận. Chỉ khi lòng tin được lấy lại, người tiêu dùng không thờ ơ với rau sạch thì các nhà phân phối mới có cơ hội mở thêm các cửa hàng, thúc đẩy tiêu thụ, kích thích nông dân tăng diện tích trồng rau sạch và vì vậy người tiêu dùng cũng bớt đi lo lắng.
Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện tổng diện tích trồng rau cả nước có 823,7 nghìn héc-ta cho tổng sản lượng 14 triệu tấn/năm. Khoảng 85% sản lượng rau được tiêu thụ trong nước, 15% xuất khẩu. Số mẫu rau phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn mức cho phép vẫn ở mức cao, chiếm 5 – 7% sản lượng. Những năm qua, một số lô rau xuất khẩu bị một số thị trường cảnh báo về việc dư lượng vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật cao quá mức cho phép.