Quả măng cụt giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa ung thư, chống lão hóa, tinh thần hưng phấn, giảm cholesterol, hạ huyết áp…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, măng cụt rất được ưa chuộng vì có mùi vị thơm ngon. Mọi người thường có thói quen chỉ ăn phần ruột màu trắng, trong khi ở lớp vỏ màu mận giữa của quả măng cụt chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa ung thư. Nghiên cứu cho thấy măng cụt có tính mát, vị ngọt, mọng nước, thành phần dinh dưỡng có calories, chất đạm, xơ, canxi, sắt, photpho… Trang Health giới thiệu nhiều công dụng của măng cụt đối với sức khỏe:
Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa ung thư
Măng cụt chứa hàm lượng các xanthone (một hợp chất hóa học có hoạt tính chống oxy hóa) cao nhất trong các loại trái cây, có tác dụng kháng viêm mạnh mẽ và hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư. Chất này được tìm thấy nhiều trong vỏ măng cụt, song do có vị đắng nên được kết hợp với một số vị khác để làm thuốc trong Đông y. Có thể dùng vỏ măng cụt sắc uống để trị tiêu chảy, kiết lỵ. Nước sắc dùng làm dung dịch rửa vệ sinh phụ nữ.
Chống lão hóa
Mọi người thường chọn cách nâng cao sức đề kháng, tăng cường khả năng miễn dịch để chống chọi với các bệnh tật bằng một số loại thuốc bổ như vitamine C và E. Nghiên cứu cho thấy 2 vitamin này có nhiều trong măng cụt, do vậy các chuyên gia khuyên ăn măng cụt tốt hơn uống thuốc bổ. Mỗi tuần ăn từ 2 đến 3 lần măng cụt giúp chống lão hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Giúp tinh thần hưng phấn
Măng cụt chứa axit tryptophan liên hệ trực tiếp với serotonin mang lại giấc ngủ ngon, điều khiển tâm trạng và khẩu vị, cảm giác thư thái, hưng phấn tinh thần.
Giảm cholesterol, hạ huyết áp
Khi cholesterol xấu bị lão hóa sinh ra những mảng bám trong mạch máu. Các công trình nghiên cứu cho thấy, kháng thể xanthones trong măng cụt giúp làm giảm tác dụng gây lão hóa của cholesterol xấu và ngăn ngừa hình thành các mảng bám. Vì vậy, người bị bệnh cao huyết áp, tim mạch nên bổ sung loại trái cây này vào khẩu phần ăn.
Một số bài thuốc hay từ quả măng cụt
– Tiêu chảy: Dùng vỏ măng cụt khô 24 g, hạt thì là mỗi thứ 2 g. Tất cả đem nấu lấy nước, uống 2 lần trong ngày.
– Lỵ: Dùng vỏ quả măng cụt 6 g, rau sam, rau má, cỏ nhọ nồi, cỏ sữa, mỗi thứ 8 g, trà xanh loại ngon 6 g, cam thảo, vỏ quýt, mỗi thứ 4 g, 3 lát gừng. Hoặc dùng 8 g vỏ quả măng cụt nướng thơm, rau má 10 g; rau dền tía, khổ sâm, gương sen, củ rối sao đen, vỏ lựu, mỗi vị 8 g, hạt cau già 6 g, cam thảo, vỏ quýt nướng, mỗi vị 4 g. Tất cả nấu lấy nước uống trong ngày.
Lưu ý: Bổ sung liên tục bất kỳ loại thảo dược nào trong thời gian dài đều không được khuyến khích và măng cụt cũng không ngoại lệ. Khi thấy các triệu chứng bệnh đã giảm thì nên ngưng sử dụng.
Thi Trân